Bê tráp là gì và những công việc cần chuẩn bị cho việc bê tráp

Cập nhật : 16/10/2019|Lượt xem : 5.885

1. Bê tráp là gì?

Bê tráp là một nghi thức mà nhà trai mang lễ vật đến nhà gái (tráp ăn hỏi hoặc tráp cưới) để đi hỏi vợ. Đây là nghi thức không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi truyền thống ở Việt Nam.

Vì vùng miền khác nhau nên bê tráp sẽ có nhiều tên gọi khác biệt. Ví dụ ở miền Bắc được gọi là bê tráp (dành cho các bạn nam của nhà trai) và đỡ tráp (dành cho các bạn nữ của nhà gái) còn miền Nam thì gọi bê tráp là bưng quả, bưng tráp. Thông thường bê tráp sẽ có 2 ngày là ngày ăn hỏi và ngày dẫn cưới, một số trường hợp hai nhà xa thì có thể ghép vào thành 1 lần.

Khi chuẩn bị cận kề đến ngày ăn hỏi, ngày dẫn dâu thì bạn dù là cô dâu chú rể hay những bạn thanh niên được nhờ đi đỡ lễ thì nhất định phải có hiểu biết về phong tục cũng như trình tự bê tráp để chuẩn bị chu đáo cũng như không mắc phải những sai lầm không đáng có.

2. Các công việc cần chuẩn bị cho việc bê tráp

Ở mỗi vùng miền khác nhau thì cũng có đôi chút khác biệt, tuy nhiên về cơ bản theo phong tục đám hỏi và đám cưới thì bạn cần chuẩn bị những công việc sau cho việc bê tráp.

2.1. Chuẩn bị lễ vật trong ngày lễ ăn hỏi hoặc lễ dẫn dâu

Chắc chắn đây là thứ không thể thiếu rồi. Theo phong tục truyền thống ở Miền Bắc, số tráp thường là số lẻ (3 tráp, 5 tráp, 7 tráp, 9 tráp...), còn ở miền Nam số lượng mâm lễ thường là số chẵn, mà phổ biến là 6 mâm với 8 mâm vì 6 và 8 là hai số biểu tượng cho tài lộc, thịnh vượng.

Một số lễ vật và ý nghĩa trong phong tục cưới hỏi truyền thống:

  1. Trầu cau: Với quan niệm "Miếng trầu là đầu câu chuyện" nên tráp cau là tráp không thể thiếu trong ngày ăn hỏi. Mặt khác, tráp trầu cau còn mang ý nghĩa cho việc nói chuyện giữa hai gia đình sẽ thuận lợi, tình cảm của hai bạn trẻ êm đẹp hơn.
  2. Tráp chè: Nói chuyện uống trà có lẽ đã đi vào tiềm thức của người miền Bắc. Khi nói chuyện với một ấm trà thì câu chuyện sẽ trở nên hào hứng, vui vẻ hơn rất nhiều
  3. Tráp rượu: Chén rượu thay lời chúc phúc. Tráp rượu tượng trưng cho những lời chúc đôi uyên ương sắp được nên vợ thành chồng.
  4. Tráp phu thê: Ngày xưa, khi 2 người kết hôn sẽ được gọi là phu thê. Bánh phu thê mang ý nghĩa vợ chồng tình cảm, mặn nồng, hòa quện như những chiếc bánh.
  5. Mâm hoa quả: Mâm hoa quả trong ngày ăn hỏi không chỉ dùng để thắp hương tiên tổ mà còn hi vọng cho đôi uyên ương sớm ngày đơm hoa kết trái.
  6. Mâm tráp hạt sen: Hạt sen mang đậm hương vị quê hương, mang ý nghĩa gợi nhớ công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ.
  7. Tráp cốm: Bánh cốm thể hiện sự ngọt ngào, nồng thắm của đôi bạn trẻ.
  8. Mâm xôi gấc hoa mai: Màu đỏ của xôi gấc thể hiện sự may mắn, hỉ sự còn màu vàng của đỗ mang ý nghĩa cho sự sung túc giàu sang
  9. Lợn sữa quay: Tượng trung cho sự dư dả, vượng khí và tài lộc. Mặc khác, nó còn chúc cho hai vợ chồng sớm đơm hoa kết trái, con cháu đầy đàn.
Chi tiết về tráp ăn hỏi các bạn nên tham khảo tại đây biết cách chuẩn bị cho đầy đủ và long trọng.

2.2. Tìm các bạn nam thanh nữ tú để đỡ tráp

Cách ngày ăn hỏi hoặc ngày dẫn cưới khoảng 1 tuần, cô dâu và chú rể sẽ cần tìm người để đỡ tráp. Có thể nhờ bạn bè, người quen, các em hàng xóm nào đó cho đủ đội hình. Số lượng người bê tráp và đỡ lễ tuỳ thuộc vào số lượng tráp của nhà trai chuẩn bị.

Để một đội hình bê tráp đẹp thì các bạn cần tìm những bạn bè có ngoại hình dễ nhìn, cao ráo và tương đồng về chiều cao. Đối với nhà trai, có thể bạn sẽ cần tìm một vài thanh niên khoẻ mạnh để bưng những tráp có khối lượng nặng như: Tráp hoa quả, tráp bia, tráp nước ngọt...

Lưu ý quan trọng: Toàn bộ trai gái trong đội bưng tráp đều phải chưa vợ hoặc chưa chồng nhé!

2.3. Cô dâu và chú rể chuẩn bị lì xì cho các bạn đỡ tráp

Tuỳ theo điều kiện của từng gia đình mà số tiền trong bao lì xì có thể để nhiều hoặc ít, về cơ bản thì bạn chuẩn bị số lượng bao lì xì tương đồng với số người đỡ tráp (Thường thì chú rể sẽ chuẩn bị và đưa cho cô dâu 1 nửa) sau đó tiền sẽ được cho vào lì xì để đưa cho các bạn đỡ lễ xong thì "trao duyên"

2.4. Chuẩn bị trang phục cho mình và cho đội bê tráp

Về phong cách sẽ có 2 loại là phong cách hiện đại và phong cách truyền thống. Tuỳ thuộc vào sở thích của cô dâu và chú rể mà hai bạn sẽ chọn những trang phục cho đội bê lễ cho phù hợp là được. Còn riêng cô dâu chú rể sẽ phải có trang phục khác để dễ phân biệt.

  • Phong cách ăn mặc kiểu truyền thống:  Là các bạn nam nữ trong đội hình đỡ lễ mặc trang phục áo the khăn xếp theo kiểu cách ngày xưa. Về màu sắc có thể chọn màu vàng, màu xanh dương
 
Bê tráp theo phong cách truyền thống với trang phục khăn the áo xếp


Trang phục bê tráp theo phong cách truyền thống với trang phục khăn the áo xếp
 

  • Phong cách ăn mặc kiểu hiện đại: Đội ngũ nam thanh nữ tú có thể tuỳ ý sử dụng quần áo cho đẹp và lịch sự (Nhưng phải đồng nhất 1 kiểu). Ví dụ nam có thể quần âu áo sơ mi và deo cà vạt còn nữ có thể mặc áo tân thời. Cũng có nhiều gia đình phá cách hơn thì có thể lựa chọn quần áo khá khác biệt
 
Phong cách ăn mặc hiện đại của các nam thanh nữ tú đi đi đỡ tráp


Phong cách ăn mặc hiện đại của các nam thanh nữ tú đi đỡ tráp

Ví dụ: Cô dâu và chú rể sẽ cùng phong cách trang phục với các bạn đỡ tráp nhưng khác màu đi là được.

Cơ bản chuẩn bị như thế là đầy đủ rồi, các bạn chỉ cần chờ đến ngày vui thôi :D. Dưới đây Song Huyền sẽ cung cấp thêm cho các bạn thêm vài thông tin hữu ích khác để các bạn những thủ tục và trình tự trong ngày ăn hỏi và ngày dẫn cưới để các bạn khỏi bỡ ngõ.

3. Những thủ tục và trình tự diễn ra trong quá trình bê tráp và đỡ lễ

Đã là nghi thức rồi thì ở đâu cũng sẽ tương tự như nhau thôi, để ngày vui diễn ra một cách êm đẹp, các bạn cần nhớ một vài chi tiết sau để không bị luống cuống trong ngày vui.

3.1. Buổi sáng dậy sớm và chuẩn bị cho công việc

Thông thường, lễ ăn hỏi hay lễ dẫn cưới sẽ diễn ra vào buổi sáng là chính cho nên cô dâu và chú rể cần dậy sớm 1 chút để làm công tác chuẩn bị. Các công việc chung thì như sau:

  • Dậy vệ sinh cá nhân và ăn sáng (Nhớ ăn sáng nhé không sẽ mệt đấy)
  • Gọi cho các bạn đỡ tráp đến sớm trước khoảng 45 phút để chuẩn bị
  • Xem đã chuẩn bị lì xì chưa, nếu chưa thì làm ngay không quên
  • Nếu có thuê xe thì nhớ giục nhà xe đến sớm (nhà gái thì không cần)
  • Kiểm tra tráp lễ đã đầy đủ chưa có gì cần chỉnh chu lại không (nhà gái thì không cần)
  • Nếu thuê thợ chụp ảnh hay bố trí ai chụp thì cũng phải gọi đến sớm
  • Chuẩn bị pha vài ấm trà để mới các cụ và bạn bè
  • Tắm cho thơm tho rồi mặc quần áo chỉnh tề

3.2. Sắp xếp đội hình bê tráp cho phù hợp

Sau khi các bạn bê tráp đến rồi thì để các bạn mặc quần áo chỉnh tề, tóc tai vuốt vuốt các kiểu đi rồi bắt đầu sắp xếp vị trí cho từng người. Để đội hình đẹp nhất thì bạn cứ sắp xếp các bạn từ thấp đến cao. Thấp nhất sẽ đi đầu và cao nhất ở cuối cùng.

Về thứ tự của tráp ăn hỏi hoặc tráp dẫn cưới sẽ như sau:
  • Lễ ăn hỏi 5 tráp: Trầu cau - Chè - Rượu thuốc - Bánh phu thê - Hoa quả
  • Lễ ăn hỏi 7 tráp: Trầu cau - Rượu thuốc - Chè Tân Cương - Hạt sen - Bánh phu thê (Xu xê) - Hoa quả - Bánh Cốm (hoặc có thể thay thế bằng nước ngọt, bia)
  • Lễ ăn hỏi 9 tráp: Trầu cau - Rượu thuốc - Chè - Hạt sen - Bánh phu thê (Xu xê) - Hoa quả - Bánh Cốm - Mâm xôi - Lợn sữa quay.
  • Lễ ăn hỏi 11 tráp: Trầu cau - Rượu thuốc - Chè Thái Nguyên - Bánh phu thê - Mâm hoa quả kết rồng - Mâm hoa quả kết Phượng - Bánh cốm Nguyên Ninh - Xôi gấc hoa mai đậu xanh - Lợn sữa quay - Bánh đậu xanh
  • Lễ ăn hỏi 13 tráp: ...
 
Thứ tự bê tráp đám hỏi

Thông thường việc sắp xếp thứ tụ này sẽ do bác trường đoàn hoặc người làm tráp cho bạn sắp xếp giúp, nhưng nếu không có thì bạn cũng có thể theo thứ tự trên để sắp xếp là chuẩn.

Trước khi bắt đầu lên đường đi "thỉnh kinh", hãy nhớ ghi lại những khoảnh khắc của ngày vui, thường thì bác trường đoàn, bố mẹ chú rể và chú rể cùng đội bê tráp sẽ chụp chung vài kiểu ảnh. Sau đó từng người sẽ bê tráp của mình và chụp với chú rể và bố mẹ chú rể cùng bác trưởng đoàn. 

Lưu ý quan trọng: Trong ngày lễ ăn hỏi sẽ phải có 1 lễ khác gọi là lễ đen để đặt lên ban thờ gia tiên của nhà gái nhé.

Chi tiết về phong tục lễ đen bạn có thể tìm hiểu thêm ở bài viết: Lễ đen và phong tục đặt lễ đen trong cưới hỏi truyền thống

Sau đó là xuất phát lên đường

4. Cuối cùng cũng đến lúc trao lễ

Khi đã chuẩn bị hoàn tất, nhà trai bắt đầu lên xe tiến đến nhà gái. Lưu ý, nhà trai nên dừng xe cách nhà gái khoảng 100m để chỉnh lại trang phục, đội hình và có không gian để chụp ảnh, lưu lại kỉ niệm.

Nhà trai sẽ sắp xếp đội hình theo thứ bậc trong gia đình. Trước đoàn sẽ là các vị tiền bối, ống bà, bố mẹ, đại diện họ nhà trai,... Tiếp đó là chú rể, đội bê tráp hỏi và ở cuối sẽ là thành viên trong gia đình.
 

Trao lễ
 

Quotes: Trước khi đi vào, nhà trai nên sắp xếp người hỗ trợ đội bê tráp bởi nhiều tráp khá là nặng. Đặc biệt nhà trai nên chuẩn bị khăn hoặc giấy ăn để lau mồ hôi cho đội bê tráp nếu thời tiết vào mùa hè, nắng nóng.

Sau khi sắp xếp xong, nhà trai đi vào trào hỏi và bắt đầu trao lễ. Khi bê tráp các chàng trai nên bê 1/2 tráp còn 1/2 tráp để đội đỡ lễ bên nhà gái bê để chụp ảnh cho đẹp. Mặt khác, tráp phải quay mặt chữ hỉ ra đằng trước.

Khi trao lễ và chụp ảnh xong, hai đội bưng mâm tráp có thể trao phong bao lì xì cho nhau để trả duyên cho nhau. 

Về cơ bản như thế là xong công việc bê tráp và đỡ tráp rồi. Tiếp sau đây là để các cụ ngồi nói chuyện, bàn bạc về công việc đám hỏi và đám cưới sắp tới.

Lưu ý cho cô dâu và chú rể: Trong lúc các cụ nói chuyện thì cô dâu chú rể đi rót nước cho các cụ, các ông các bà và bạn bè. Cô dâu có thể nhờ các bạn gái đỡ lễ tiếp nước cũng được

Xong xuôi đâu đó thì các bạn bê tráp cùng cô dâu chú rể ra ngoài để chụp những tấm ảnh kỷ niệm, và biết đâu sau khi làm quen lại có những cặp bén duyên vợ chồng thì sao.

Cô dâu chú rể cần tham khảo thêm: Mẫu bài phát biểu chuẩn không cần chỉnh trong lễ ăn hỏi

5. Bê tráp 3 lần có mất duyên không?

Với các bạn thỉnh thoảng được nhờ đi bếp tráp thì cũng hay thắc mắc vấn đề này đúng không? Ngày xưa, các cụ có quan niệm đi bê tráp nhiều hay đi bê tráp quá 3 lần sẽ bị mất duyên, sau này lấy vợ lấy chồng sẽ khó nên nhiều bạn cũng ngại đi. Thức tế thì đâu có gì. Bây giờ còn có cả dịch vụ bê tráp, một tháng các bạn bê đến chục đám ấy.

Không tin có thể xem thêm dịch vụ bê tráp tại Hà Nội. Toàn các bạn sinh viên, những tháng cao điểm như tầm này thì chạy cả tháng thật ấy.

Các bạn yên tâm, đây chỉ là quan niệm của các cụ thời xưa để tránh con gái ra ngoài nhiều, gặp gỡ nhiều con trai gây phiền toái thôi chứ không phải bê tráp 3 lần sẽ mất duyên đâu. Có nhiều cặp đôi còn lấy nhau sau khi đi bê tráp ăn hỏi ấy chứ, có thật đấy.
 

Bê tráp có bị mấy duyên không


Bê tráp mất duyên chỉ là quan niệm thôi chứ không phải thật đâu nhé!
 

Quotes: Cười ngả nghiêng trước 51 STT bê tráp hay - ĐỘC nhất vô nhị

Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về bê tráp ăn hỏi và bê tráp ngày cưới cùng những công việc cần chuẩn bị. Cô dâu và chú rể cũng như các bạn trẻ thường xuyên được mời đi bưng tráp nên tham khảo để biết được trình tự và những lưu ý trong ngày lễ ăn hỏi và lễ cưới nhé.
 

Chúc các bạn thành công và hạnh phúc!

Bình luận facebook
Copyright © 2018 songhuyenwedding.com. All Rights Resered.
go top
0975849999